0918 032136- (0272) 3751928 (105)

新聞

新聞

Dự báo thị trường thép thế giới năm 2013 (07/02/2013)

09:44 | 08/02/2013

 

Dự báo thị trường thép thế giới năm 2013 (07/02/2013)

 Năm 2012 thật sự là một năm gian nan của ngành công nghiệp thép bởi môi trường đào thải là rất lớn và chỉ có những nhà sản xuất, kinh doanh đủ tài và đủ lực mới có thể tồn tại được.

Bước vào đầu năm ai cũng hy vọng thị trường sẽ có một khởi đầu tốt và thuận lợi để tạo đà phục hồi vững chải. Thế nhưng niềm tin dường như hoàn toàn sụp đổ khi những chào bán thép tháng 03, tháng 04 dường như đã không đạt được mức tăng như kỳ vọng. Thời gian này thị trường đang đối mặt với những thách thức quá lớn từ nền kinh tế áp đặt lên và phải đến cuối năm thị trường mới phục hồi nhẹ nhờ kinh tế có chút ổn định và giá nguyên liệu như quặng, phế đều leo thang. Tuy nhiên giá hầu hết các sản phẩm vẫn chưa đạt lại đỉnh cao như hồi tháng 02.

Tại Đông Nam Á, các thị trường thép gần như bị đóng băng hoàn toàn do chính phủ các nước chuyển hướng ưu tiên cho việc giải quyết lạm phát thay vì mục đích kích thích tăng trưởng kinh tế.
Gía nhập khẩu HRC cao nhất là hồi tháng 03 với 655-668 USD/tấn cfr nhưng bắt đầu đi xuống ở những tuần sau đó và chạm đáy hồi tháng 08 tại mức 516-548 USD/tấn cfr do ảnh hưởng bởi sự tuột dốc của thị trường thép Trung Quốc và tiêu thụ yếu kém tại khu vực nội địa.
Hai tuần trở lại đây, cả thép thành phẩm và bán thành phẩm chào bán sang Đông Nam Á đều tăng theo giá nguyên liệu thô và xu hướng chung của thể giới. Song rất ít hợp đồng được chấp nhận giá cao hơn mà đa số đang hoãn đặt mua và chờ đến sau tết Nguyên Đán.
Năm 2013 theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, vẫn là năm có nhiều thử thách cho các doanh nghiệp. Thâm hụt ngân sách có thể tăng lên, qua đó làm hạn chế khả năng đầu tư công và góp phần xử lý nợ xấu, gây bất ổn cho nền kinh tế.
Với triển vọng kinh tế không rõ ràng, sức đầu tư từ khối ngành tư nhân cũng èo uột trong khi bất động sản vẫn chưa chạm đáy, khiến cho tiêu thụ thép thành phẩm từ ngành này có thể tiếp tục giảm. Dường như rất hiếm hoi để nhận ra các yếu tố có thể khích lệ nhu cầu, do đó năm 2013 không phải là năm bùng nổ của thị trường thép. Có thể giá tăng trong 06 tháng đầu năm vì thị trường ấp ủ nhiều hi vọng nhưng sau đó ổn định hoặc đi xuống.
Tại Châu Âu, rối ren trong vấn đề giải quyết nợ công vẫn chưa chấm dứt. Các nhà lãnh đạo đã nỗ lực hết mình cho sự tồn tại của khu vực đồng tiền chung euro trong năm 2012 vừa qua, nhưng sự “hết mình” ấy cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ rơi vào tình trạng bế tắc nếu như nợ công tiếp tục lún sâu và lan rộng hơn nữa. Số phận của khu vực đồng tiền chung được thành lập năm 1999 này vẫn chưa có gì đảm bảo chắn chắn sẽ sống sót qua năm 2013 khi mà Tây Ban Nha đang thế chân Hy Lạp ngập sâu vào nợ nần. Mức nợ công lên đến 100,2% GDP là mức đáng báo động của đất nước này và dường như chính sách thắt lưng buộc bụng đang dần dần mất hiệu quả và tác động ngược lên nền kinh tế toàn khu vực.
Với rất ít niềm tin lạc quan vào sự tăng trưởng kinh tế, không những Châu Âu mà doanh số bán thép của các nền kinh tế đang phụ thuộc vào xuất khẩu sang lục địa già này cũng không có nhiều hy vọng đột phá. Nếu thị trường không lún sâu thì cũng vật vờ như năm 2012 mà thôi.
Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 của nước này được dự đoán đạt từ 2-2,1%. Tuy nhiên việc cắt giảm chi tiêu nhằm giải quyết các “lỗ hổng ngân sách” có thể sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng GDP, qua đó tác động xấu đến khả năng đầu tư xây dựng và kinh doanh cho các ngành liên quan đến thép thành phẩm. Giá trong năm này sẽ dao động nhẹ vì các lần điều chỉnh trong tháng 12 và tháng 01 của các nhà sản xuất mới chỉ được thị trường chấp nhận một phần và các nhà sản xuất sẽ cần thời gian để thuyết phục khách hàng chấp nhận phần điều chỉnh còn lại.
Tại Trung Đông và Bắc Phi điều kiện cũng không mấy suôn sẻ cho thị trường thép phát triển. Xuất khẩu giảm cộng với giá cả nguyên nhiên liệu leo thang có thể đẩy thâm hụt cán cân thương mại trong năm 2013 lên cao. Tình trạng lạm phát và thất nghiệp không ngừng tăng càng gây khó khăn cho chiến lược phát triển. Dự đoán trong năm 2013 các dự án xây dựng đầu tư công lẫn tư nhân đều xuống thấp bởi chính phủ đang tích cực thắt chặt hầu bao nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Các thị trường còn lại như CIS, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không sáng sủa hơn. Xuất khẩu sang Châu Âu sụt giảm cộng với sự lấn sân của các nhà cung cấp đến từ Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, dường như đánh gục hoàn toàn ngành công nghiệp thép Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua. Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu thay thế như Mỹ, Bắc Phi vẫn không đủ sức vực dậy thị trường thép trong nước. Sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến cho thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ thiếu tính chủ động trong chiến lược phát triển. Dường như xu hướng của thị trường luôn theo xu hướng chung của thế giới.
Như vậy, bản thân thị trường thép thế giới đang thiếu trầm trọng các yếu tố hậu thuẫn về nhu cầu cũng như các nguồn lực đầu tư trong năm 2013. 06 tháng đầu năm có lẽ không có nhiều thay đổi về sức tiêu thụ nhưng giá vẫn đi lên theo xu hướng của nguyên liệu thô và sự trượt giá của đồng tiền, tuy nhiên sức mua có thể sẽ tăng dần trong nửa cuối năm 2013 sau khi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết ổn thỏa các vấn đề hiện hữu, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà phục hồi cho nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.
Nguồn tin: Satthep.net
 

 


Người viết : admin